Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Nhà Thờ Đá ở Nha Trang_Bài TRẦN CÔNG NHUNG



Cho những ai sống và lớn lên ở Nhatrang!



Nhà Thờ Đá ở Nha Trang

Bài TRẦN CÔNG NHUNG

Có thể nói Nha Trang là “cái rốn” của dải đất hình chữ S. Nha Trang là nơi dừng chân trên con đường thiên lý từ Nam ra Bắc. Nha Trang có vẻ đẹp riêng biệt khác mọi nơi. Miền Nam có sông nước ruộng đồng cò bay thẳng cánh, miền Bắc có hang động thắng tích danh lam. Nha Trang không những có các hạng mục như mọi nơi lại còn có bãi cát mượt mà cho du khách tắm nắng ngày hè hoặc tiếng sóng vỗ rì rào như lời mẹ ru vào mùa đông. Nha Trang lại có những điểm cao cho du khách ngắm nhìn biển cả: Đỉnh núi chùa Long Sơn, núi Nhà Thờ Đá...






Toàn cảnh nhà thờ (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Nhạc sĩ Minh Kỳ đã nhớ Nha Trang như âm tình một người xa quê trở về:

Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa
Nha Trang cảnh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt
Hòa cùng sức sống yên vui.

Phạm Duy cũng nhớ Nha Trang nhưng đượm tình lãng mạn:

Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ, tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau.

Đó là niềm nỗi thương nhớ của nghệ sĩ, với một người bình thường khi đến Nha Trang sẽ gom thu tất cả nét đẹp xa gần của Nha Trang: bãi tắm cát vàng, Hòn Chồng nên thơ, bến cảng Cấu Đá, Tháp Bà, chùa Hội, và Nhà Thờ Chánh Tòa ngay ngã sáu trung tâm thành phố Nha Trang.








Cung Thánh (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


“Bụt nhà không thiêng,” tâm lý người đời, những gì gần gũi ít ai để ý, chỉ muốn đi tìm thứ xa xôi khó khăn. Đến Nha Trang, hỏi Nhà Thờ Núi nơi nào có nhiều người không biết. Nhà Thờ Núi còn có tên Nhà Thờ Đá, Nhà Thờ Ngã Sáu, tên chính thức ban đầu là nhà thờ Kito Vua, sau là nhà thờ Chánh Tòa. Nhưng quần chúng vẫn quen gọi Nhà Thờ Đá. Bởi nhà thờ được dựng trên đỉnh núi dá và xây toàn bằng đá.
Bối cảnh ra đời của Nhà Thờ Đá
Cuối thế kỷ 19 (khoảng năm 1885), Nha Trang chỉ gồm vài xóm chài rải rác ở cửa sông Cái và ven bờ biển. Giáo dân lúc ấy khoảng dăm ba trăm người sống tập trung ở Giáo Xứ Chợ Mới (Ngọc Hội).
Năm 1886, người Pháp đặt cơ quan của chính quyền đô hộ tại Nha Trang, tạo điều kiện cho hai công trình nghiên cứu khoa học quan trọng được xây dựng đó là Viện Pasteur (1895) và Viện Hải Dương Học (1923). Dân chài tập trung về sống gần viện Pasteur để được chăm sóc sức khoẻ.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho số giáo dân này và cho cả viên chức người Pháp, họ xây tạm thời một nhà nguyện nhỏ bên bờ biển Nha Trang, ngày nay là khu vực Tòa Giám Mục Nha Trang. Với tấm lòng nhân ái của người mục tử, vị Linh Mục người Pháp lúc đó là Louis Vallet (1869-1945) đang coi sóc giáo dân Chợ Mới đã nghĩ ngay đến việc thành lập một Giáo Xứ tại Nha Trang, và điều đầu tiên phải làm đó là xây dựng một ngôi nhà thờ khang trang.

Ngày 3 tháng 9, 1928, nhà thờ được khởi công xây dựng trên một mõm núi nhỏ, có tên là núi Bông, độ cao khoảng 12 mét. Khoảng 500 trái mìn đã được sử dụng để tạo mặt bằng trên đỉnh núi. Lễ Phục Sinh năm 1929, khai trương con đường cho xe chạy lên núi. Đến tháng 6 cùng năm, lối đi lên núi dành cho người đi bo có 53 bậc cấp.








Gác đàn phía cuối (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Sau đó là các công trình phụ như nhà bếp, nhà ở cho người giúp việc, nhà kho, các bậc thang từ đường chính lên... lần lượt được đưa vào sử dụng. Đến tháng 3, 1930, hoàn thành xây nhà xứ (tức là nhà dành cho các sinh hoạt ngoài phụng vụ của giáo xứ). Ngày 12 tháng 2, 1933, Vua Bảo Đại có viếng thăm công trình này.

Ngày 14 tháng 5 năm 1933, trong lễ thánh Jeanne d'Arc, nhà thờ được cung hiến và khánh thành. Cha Louis Vallet chọn Chúa Kitô Vua làm tước hiệu quan thầy nhà thờ. Ngày 29 tháng 7 năm 1934, Khâm sứ Tòa Thánh Dreyer làm phép quả chuông đặt tên hiệu là Theresa Hài Đồng Giêsu, do một nữ tín hữu ở Sài Gòn dâng tặng. Tháp chuông được khánh thành vào ngày 3 tháng 12 năm 1935.
Ngày 24 tháng 10, 1945, linh Mục Louis Vallet qua đời. Thi hài ông được an táng dưới chân núi, bên phải con đường lên nhà thờ.








Mạn nam nhà thờ (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc nhờ thờ Công giáo phương Tây. Lối kiến trúc này giống với nhà thờ ở Sapa và một số địa điểm khác tại Việt Nam. Một gác chuông cao ở chính giữa có treo ba quả chuông là điểm dễ nhận biết của các nhà thờ Công Giáo phương Tây.

Dọc theo lối đi lên, phía bên phải là những hộc nhỏ đựng di cốt những người quá cố được ghép vào tường đá. Nhà thờ có mái vòm rộng, những ô cửa hình hoa hồng theo kiến trúc gothic.

Tuy đã gần 70 năm tuổi, trải qua bao mưa nắng nhưng với lối cấu trúc độc đáo nhà thờ núi vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị kiến trúc từ xa xưa.

Ngày 5 tháng 7, 1957 Giáo Phận Nha Trang chính thức được thành lập từ việc chia tách Giáo Phận Qui Nhơn nhưng mới chỉ là giáo phận tông tòa. Ngày 24 tháng 11, 1960, Giáo Phận Nha Trang mới được nâng lên hàng giáo phận chính tòa, lúc này, Nhà Thờ Nha Trang được chính thức được chọn làm nhà thờ Chính Tòa của giáo phận, họ đạo Nha Trang trở thành giáo xứ Chính Tòa. Nhà thờ này được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà thờ phương Tây. Nhìn tổng thể, công trình có bố cục chắc khỏe với những khối lập thể nhỏ dần từ thấp vươn cao, nổi bật giữa trời xanh. Điểm cao nhất là nơi đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38 mét, tính từ mặt đường.



 




                                     Quãng trường Maria (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Khoảng năm 1969, đồng hồ trên tháp bị hư và không được sửa cho tới năm 1978 và tiếp tục hoạt động từ đó đến nay. Ngày 10 tháng 6, 1987, vách đá dọc theo con đường chính lên nhà thờ được làm thành nơi đặt tro cốt những người chết được bốc dỡ từ nghĩa trang của giáo xứ theo quyết định của Nhà nước.
Ngoài ra, Nhà Thờ cũng thực hiện một số chỉnh trang nhỏ như:
- 17 tháng 02, 1990, gia cố chân núi dưới hang đá Đức Mẹ.
- 14 tháng 3, 1991, sửa và mở rộng đường chính thêm 1.5 mét.
- 28 tháng 10, 1991, đặt tượng Mười Hai Thánh tông đồ, mỗi tượng cao 1 mét và tượng Chúa Kitô Vua cao 1.2 mét dọc theo đường lên nhà thờ.
- 19 tháng 12, 1992, đặt 12 tượng các Thánh bao quanh sân nhà thờ
Nhiều ý kiến cho rằng, đường sắt chạy sát cạnh nhà thờ đã gây chấn động, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự vững chắc của nhà thờ.

Nhà thờ là một kiến trúc nghệ thuật độc đáo của phương Tây, công trình đồ sộ này nhìn từ xa chúng ta lầm tưởng như một lầu đài cổ thời La Mã, Những bức tường như xây bằng đá, thực tế là xây bằng táp lô xi măng, còn vật liệu đá chẻ chỉ để lót sân vườn và đường lên xuống. Riêng toàn bộ mái vòm của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo.

Điểm nổi bật của nhà thờ là nhà nguyện, vào nhà nguyện là vào một không gian mênh mông, yên tĩnh, thoáng đảng, tràn ngập ánh sáng, đặc biệt nhìn lên mái vòm là những hình uốn cong hướng lên bầu trời, trang trí bằng những hoa văn giản dị mà hấp dẫn, những bức họa trên tường nói về khổ nạn của Chúa Giê Su, những cửa sổ trang trí bằng kính màu với các kiểu hoa văn khác nhau tạo ra nguồn sáng đầy màu sắc, tăng phần vẻ trang nghiêm huyền nhiệm của nhà thờ.

Nhà thờ đã trãi qua khoảng 80 năm, một thời gian khá dài chịu đựng nắng mưa nhưng vẫn nằm vững chãi trên đỉnh núi. Nhà thờ Đá là nơi đồng bào công giáo Nha Trang thường xuyên đến lễ, cầu Thiên Chúa ban hồng ân. Nhà thờ cũng là nơi đặc biệt tổ chức đám cưới cho các cặp uyên ương. Thành phố Nha Trang như được gắn chiếc nhẫn kim cương, đó là Nhà Thờ Đá.
(tcn)









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét