Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Ghé thăm Huế bằng hình


Ghé thăm Huế bằng hình


alt
Công viên bờ sông Trần Hưng Đạo. Vườn hoa trải dài từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên. Một bạn từ phương xa lần đầu đến Huế nhìn vườn hoa này đã thốt lên. 

alt
Xa xa là Nghinh Lương Đình và một chiếc thuyền cổ phục chế.” Nghinh Lương” là đón gió mát từ sông Hương. Đây cũng là bến cho các thuyền ngự – thuyền vua và các bà phi tần. 
Và những con thuyền có hai tầng gọi là ”lâu thuyền”.

alt
Cầu Dã Viên mới (chưa đặt tên chính thức và đang trong giai đoạn hoàn thiện). Cầu có các nhà thủy tạ để du khách ngắm cảnh núi sông.

alt
Cồn Dã Viên là một trong những yếu tố phong thủy quan trọng khi vua Gia Long chọn địa điểm xây dựng kinh đô. Cồn Dã Viên đóng vai trò”hữu bạch hổ” trong khi cồn Hến đóng vai trò “tả thanh long” tượng trưng cho quần thần, dân chúng phò trợ cho triều đình. Trước đây trên cồn có vườn ngự, với đình, tạ, miếu, v.v. 

Ngày nay vườn xưa không còn dấu vết nhưng còn đó bài thơ Dữ Dã Viên ký của vua Tự Đức, ca ngợi thú điền viên. Năm 1908 cây cầu bắc qua đây được đặt tên là cầu Dã Viên, nhưng dân gian thì căn cứ trên thuật phong thủy, gọi là cầu Bạch Hổ, mặc dầu tên Bạch Hổ được đặt cho cây cầu gần đó, bắc qua sông đào Kẻ Vạn, mà ngày nay được gọi là cầu Kim Long. Năm 1909 một nhà máy nước với tháp nước được xây dựng trên cồn Dã Viên. Có điều lạ là đoạn cầu phía bên phải tháp nước, thông ra quốc lộ 1 có biển ghi là cầu Bạch Hổ. Còn phần cầu bên trái tháp nước đổ xuống đường Bùi Thị Xuân thì một biển khác ghi là cầu Giã Viên.

alt
Cầu Kim Long bắc qua sông Kẻ Vạn, tức là Tây Hộ Thành Hà

alt
Kim Long, nơi có Đại Chủng Viện Huế, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đan viện Carmel Huế, v.v.

alt
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất ở Huế, được xây vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương. Tháp Phước Duyên 7 tầng, 21m, được xây vào năm 1844 dưới thời vua Thiệu Trị. Chùa còn có các công trình như điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm xây song song theo hình chữ NHẤT. 

Về sau các công trình trong đại nội như cửa Ngọ Môn, điện Thái Hòa cũng xây cùng một hướng với các công trình chùa Thiên Mụ. Chùa được vua Thiệu Trị làm thơ ca tụng là một trong 20 thắng cảnh của đất kinh kỳ. Ngày nay tháp Phước Duyên được xem là biểu tượng của xứ Huế.

alt
Ít người biết đây là dấu tích còn lại của Võ Thánh Miếu ở làng An Ninh Thượng, phía bắc của chùa Thiên Mụ, do vua Minh Mạng xây dựng năm 1835 để thờ các danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Trương. Ngoài ra còn thờ các danh tướng của Trung Quốc như Quản Trọng, Trương Lương, Hàn Tín, Khổng Minh, Quách Tử Nghi. 

Miếu bao gồm Chính Điện, hai nhà Tả Vu và Hữu Vu.Năm 1836 vua cho dựng 3 tấm bia võ công, ghi chức tước, hành trạng của 10 võ tướng dưới triều Gia Long và Minh Mạng như Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Nguyễn Xuân, v.v. Sau đó, vua Tự Đức cho dựng 2 tấm bia khắc tên những người đậu tiến sĩ võ các khoa thi năm 1865, 1868 và 1869. Văn Thánh Miếu, gọi tắt là Văn Thánh, được xây trước Võ Thánh Miếu, cũng tại thôn An Bình, làng An Ninh Thượng, vào năm 1808, dưới thời vua Gia Long để thờ Khổng Tử và các học trò là những bậc thánh hiền của Nho giáo.

alt
Linh Tinh Môn là phường môn hay cổng chào ở trước mặt Văn Thánh Miếu.Đây là một công trình vừa được tôn tạo vào năm 2011, với nghệ thuật pháp lam độc đáo được phục hồi. Có hai câu đối, một mặt ghi Đạo Tại Lưỡng Gian và mặt kia ghi Trác Việt Thiên Cổ, ca tụng đạo Nho.alt
Văn Miếu Môn, cổng vào Văn Miếualt
Đại Thành Môn, cổng vào Đại Thành Điện là điện thờ nhưng ngày nay không còn.

alt
Hai dãy bia tiến sĩ, tổng cọng có 32 bia ghi tên 293 vị đỗ tiến sĩ trong các khoa thi từ năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng cho đến năm 1919 dưới thời vua Khải Định.

alt
Linh Tinh Môn, Văn Miếu Môn và Đại thành Môn nhìn từ sông Hương

alt
Đến địa phận làng Lương Quán, sông Hương “ôm cua” gần như 90 độ, khiến bên Lương Quán bờ sông được bồi một đoạn gần cả 100m – tha hồ để trồng trọt, nhất là bắp. Còn bên kia sông là làng Long Hồ thì bị lở.

alt
Bãi bồi Lương Quán

alt
Bờ sông làng Long Hồ

Kế đến là làng Ngọc Hồ. Qua một khúc quanh nữa thuộc làng Hải Cát, thuyền bắt đầu đi vào vùng linh địa của xứ Huế (theo thuật phong thủy). Cũng phía bên phải bắt đầu xuất hiện núi Ngọc Trản với Ngọc Trản Sơn Tự mà sau này vua Đồng Khánh đổi tên thành Huệ Nam điện, còn dân gian thì gọi là điện Hòn Chén. Đây là nơi người Chàm đã dựng đền thờ nữ thần Po Nagar (mẹ xứ sở), là vị thần đã sinh ra đất cho chúng ta ở. Người Việt sau khi tiếp nhận đất đai cũng tiếp tục thờ cúng thần của người Chàm. 

Đồng thời họ cũng lập miếu thờ hàng trăm vị thần khác, mà người ta tin tưởng là những vị cai quản rừng, núi, sông, đất đai, và rồi cả “quan binh” hầu cận các vị thần ấy. Họ xin triều đình “công nhận” và sắc phong cho nữ thần có tên là Thiên Y A Na Ngọc Diễn Tôn Thần, gọi tắt là bà chúa Ngọc. Cả vua Đồng Khánh cũng tin tưởng và nhận làm em bà chúa. Sau khi vua băng hà, nhà vua cũng được thờ ở đây. 

Năm 1954, người ta mang mẫu Liễu Hạnh còn gọi là Vân Hương thánh mẫu ngoài Bắc vào thờ, cùng với các mẫu thượng ngàn, mẫu thủy phủ, v.v. và hình thành một tín ngưỡng mới gọi là Thiên Tiên Thánh Giáo. Hằng năm dân chúng, nhất là những người sinh sống, làm nghề trên sông nước và trong rừng, tụ hội về đây cúng tế. Lễ hội được tiến hành trên sông lẫn cả trên bộ (đưa ngài đến đình làng Hải Cát rồi rước về) vào tháng ba và tháng bảy âm lịch.

alt
Điện Hòn Chén ở lưng chừng ngọn núi Ngọc Trản (tức là chén ngọc)

alt
Một miếu thờ ở điện Hòn Chén

alt
Minh Kính Đài

alt
Minh Kinh Đài thờ nhiều vị thần thánh theo tín ngưỡng dân gian, Đức Phật và cả Quan Công, vị thần của người Hoa. Bờ bên trái là đồi Vọng Cảnh. Cách đồi Vọng Cảnh không xa là lăng vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, lăng các bà hoàng hậu như lăng Hiếu Đông (Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, vợ vua Minh Mạng), lăng bà Từ Dụ (chính cung của vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức), lăng Khải Định.

alt
Đồi vọng Cảnh nhìn từ sông Hương

alt
Đồi Vọng Cảnh

Cả khu vực này được gọi là Vạn Niên Cát Cục, nghĩa là khu đất tốt lành trong cả vạn năm. Đây là vùng đất để an táng các bậc vua chúa, quan lại hay dân thường không được phép chôn ở đây. Nhưng trên thực tế thì “cát cục” cũng không hề tốt lắm hay tốt tới vạn năm. Các vua chúa cũng đều nếm mùi thăng trầm, đau khổ chẳng kém lũ dân đen.

Lăng Tự Đức do vậy được gọi là Vạn Niên Cơ, nhưng do những người xây lăng bị thúc ép làm việc vất vả đã nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trục, đã đột nhập cung điện toan giết vua. Trong sách sử, vụ nổi dậy này được gọi là “giặc chày vôi” do những người này trang bị vũ khí bằng nhiều chày giã vôi, một loại vật liệu xây dựng. Vua Tự Đức sau này đã tự “kiểm điểm” và đổi tên lăng thành Khiêm Cung hay Khiêm Lăng.

alt
Nhà máy bơm nước Vạn Niên do người Pháp đã xây vào năm 1909 dưới chân đồi Vọng Cảnh.

Kiến trúc sư Bossard đã tham khảo các công trình xung quanh để thiết kế nhà máy giống như một lăng tẩm để hài hòa với vạn niên cát địa.Từ trên sông có thể nhìn thấy lăng Cơ Thánh thuộc làng Cư Chánh, phường Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Lăng này còn gọi là lăng Cao Hoàng hay lăng Sọ, là lăng của Nguyễn Phúc Luân (còn gọi là Nguyễn Phúc Côn, cha của Nguyễn Phúc Ánh, tức vua Gia Long). Ngài là con của chúa Nguyễn Phúc Khoát, được chọn để nối ngôi chúa, nhưng ông cậu là Trương Phúc Loan âm mưu giả chiếu chỉ để đưa Nguyễn Phúc Thuần, lúc ấy mới 12 tuổi lên làm chúa. Nguyễn Phúc Côn buồn rầu sinh bệnh mất vào năm 1765. 

Năm 1790 lăng mộ của Nguyễn Phúc Côn bị nhà Tây Sơn (Quang Trung) đào lên và vứt hài cốt xuống sông Hương. Có một người địa phương lén vớt được sọ và chôn lại. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, người này trình báo và vua đã cho vớt cát sỏi một đoạn sông đắp lên bờ  và lập lăng cho ngôi mộ sọ ấy. Đoạn bờ sông này ngày trước không ai trồng trọt, nhưng vài năm gần đây đã có trồng hoa màu.

alt
Lăng Cơ Thánh
alt
Nhà thờ giáo xứ Ngọc Hồ ở bờ sông bên phải

alt
Đình làng Hải Cát
alt
Cầu Tuần.Đò đi dưới cầu Tuần và rẽ phải sẽ gặp bến đò lăng Minh Mạng

alt
Hiển Đức Môn, cổng vào Sùng Ân Điện là ngôi điện thờ vua

alt
Bi đình, nơi có tấm bia Thánh Đức Thần Công ghi hành trạng, công lao của vua Minh Mạng

alt
Minh Lâu, nơi nhà vua ngắm trời đất để chiêm nghiệm lẽ đời

 alt
Bửu Thành, mộ phần của vua Minh Mạng

alt
Ngã ba Bằng Lãng, còn gọi là ngã ba Tuần, nơi hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lại để thành dòng sông Hương.

Vùng đất giữa hai dòng dòng sông đó cũng là đất thiêng thuộc làng La Khê Trẹm, Kim Ngọc, Định Môn thuộc thị xã Hương Thủy. Nơi đây có lăng mộ của tất cả chín chúa Nguyễn và các bà hậu. Nhưng vào năm 1790 tất cả các lăng mộ ấy đều bị nhà Tây Sơn đào lên và vứt xác. 

Sau này vua Gia Long phải dùng gỗ dâu đẽo thành hình người và chôn thay cho thi thể (về sau các vua Tây Sơn cũng bị đối xử tàn nhẫn tương tự) . Nhưng tính chất thiêng liêng của vùng đất có lẽ được thể hiện trong sự nghiệp của các chúa trong vòng 200 năm đã mở mang bờ cõi từ Qui Nhơn ở miền Trung cho đến trọn miền đất Nam bộ. 

Ngày nay, ngoài lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng, các lăng còn lại đã bị lãng quên và ở trong tình trạng hoang phế. Lăng vua Gia Long cũng ở làng Kim Ngọc, nơi đó còn có mộ của hai bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu và nhiều bà hậu của các chúa. 

Triều Nguyễn truyền ngôi được cho 13 vua trong vòng gần 150 năm (1802-1945). Cho dù được chôn nơi cát địa và sống trong sự chúc tụng vạn tuế hoặc muôn năm, các vua cũng không sống lâu và đạt được mọi điều ước mong.Vùng đất linh địa này biểu hiện rõ tính chất vô thường và khổ đau của cuộc đời – ai ai cũng chịu nhiều đổi thay, đau khổ mặc cho những nỗ lực coi ngày giờ để kết hôn, an táng, chọn đất đai để xây dựng lăng tẩm nguy nga tráng lệ, mặc cho tài sản lớn lao, mặc cho bao lời cầu nguyện, chúc tụng, lễ bái thánh thần. Vô thường và khổ đau mới thật là những điều linh thiêng, ứng nghiệm đối với tất cả mọi người.


Inline image 2